Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép1. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, xảy ra tình trạng nhiều công dân bị lôi kéo, lừa sang Campuchiatheo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp để làm việc trong các sòng bài, cá độ, xổ số hoặc game online, sau đó bị các đối tượng người nước ngoài khống chế, ép buộc thực hiện hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Theo đơn tố cáo, cầu cứu của các nạn nhân được biết hoạt động lôi kéo, đưa người Việt Nam sang Campuchia chủ yếu do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, có sự tham gia của cả người Việt Nam và Campuchia.
Thủ đoạn của các đối tượng là đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ, không cần kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, với mức lương khá cao (từ 700 - 1.000 đô la/tháng). Sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các đối tượng sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia. Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc sòng bài. Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Lúc này các nạn nhân mới biết công việc, đãi ngộ không như quảng cáo, họ bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (có thể từ 15 – 16 tiếng/ngày), nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ. Nhiều người bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc, giam giữ. Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, bị bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn đô la mới được thả hoặc bán cho công ty khác.
2. Trên cơ sở tin báo của các nạn nhân, thời gian qua Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các lực lượng chức năng trong và ngoài nước giải cứu và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân về nước. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn diễn biến phức tạp và chưa được thực sự giải quyết triệt để.
Qua nắm tình hình, thời gian qua Công an tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 31 công dân trên địa bàn tỉnh đã trở thành nạn nhân của các vụ môi giới, mua bán người sang Campuchia. Nhiều trường hợp bị mua đi bán lại nhiều lần, bị các đối tượng hành hạ, đánh đập tần nhẫn, cá biệt có những trường hợp đã bị chúng bạo hành đến tử vong, sau đó thủ tiêu thi thể, nhiều trường hợp bị bắt giữ làm con tin đòi tiền chuộc từ gia đình và gia đình đã phải trả từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng để chuộc người thân về nước.
3. Hoạt động lôi kéo, dụ dỗ đưa người sang Campuchia lao động bất hợp pháp, đặc biệt là lừa bán người vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến do người Trung Quốc làm chủ là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 349 Bộ Luật Hình sự quy định: người nào tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng thì phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Công an tỉnh khuyến cáo mọi công dân hãy tự bảo vệ bản thân và gia đình, cảnh giác trước những lời hứa hẹn về công việc trên mạng xã hội từ các đối tượng không quen biết với thu nhập cao tại nước ngoài nói chung và tại Campuchia nói riêng.
Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng trên, Công an Thanh Hóa kêu gọi người dân trên toàn tỉnh phối hợp với lực lượng Công an và chính quyền địa phương tuyên truyền để mọi công dân đều hiểu rõ hậu quả của nạn nhân mua bán người (là có thể bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, bị giam giữ trái phép, bị bóc lột tình dục, bị bắt làm con tin đòi tiền chuộc từ gia đình...). Mọi người dân hãy tích cực phối hợp với lực lượng Công an phòng, chống nạn mua bán người vì sự an toàn của mỗi người và mọi người. Khi phát hiện các thông tin, tài liệu về các đối tượng này thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi điện thoại về đường dây nóng 02373.725.725 để lực lượng Công an kịp thời hỗ trợ giải cứu, hỗ trợ các nạn nhân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tiến hành điều tra, bắt giữ và xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội.
Nguồn: Công an xã Cẩm Tâm