Vai trò của gia đình trong thời đại ngày nay
Câu nói “ gia đình là tế bào của xã hội” đã rất quen thuộc đối với con người Việt Nam chúng ta, vì gia đình tốt sẽ tạo nền móng vững chắc để giáo dục các thành viên gia đình trở thành con người tốt. Chắc hẳn không một bậc cha mẹ nào không mong muốn con mình thành công và hạnh phúc. Vậy vai trò của gia đình là gì và gia đình phải như thế nào để giúp con cái trong gia đình đạt được điều ấy? Chắc chắn mỗi người chúng ta ai cũng mong muốn mình đóng một vai trò quan trọng trong đó.
Chúng ta luôn trăn trở rằng tại sao con của chúng ta vốn ngoan ngoãn vui tươi, líu ríu nói chuyện cả ngày, nay chỉ trả lời nhát gừng những câu hỏi quan tâm của mình, nhưng lại trốn biệt trong phòng bỏ ra hàng giờ thì thầm và rúc rích chuyện trò với cái máy điện thoại bằng một thứ ngôn ngữ mà ta không thể hiểu được.
Cũng có khi chúng ta phát hoảng lên, cảm thấy dường như không thể có một tiếng nói chung với đứa con bỗng tỏ ra lầm lỳ, thậm chí suốt ngày mặt sưng mày sỉa và trở nên xa lạ với cha mẹ.
Đôi khi trong thực tế chúng ta tin rằng con mình có khả năng làm được điều đó, nhưng không hiểu vì sao nó không còn tập trung hoặc đánh mất động lực vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể trò chuyện và khích lệ con? Làm thế nào để con chúng ta trở thành đứa con ngoan, biết vâng lời? Biết nỗ lực vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Để sau này con trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Giả sử chúng ta đem một đứa trẻ 3 tuổi nhốt vào một căn phòng và bắt đầu hét mắng nó, bảo với nó rằng nó là một đứa trẻ ngu ngốc chẳng làm được điều gì nên hồn, bảo nó phải làm cái này và không được làm cái kia, soi mói mớ lộn xộn mà nó gây ra, mà thậm chí đôi lần còn đánh đập nó, thì đến cuối cùng chúng ta sẽ tạo ra một đứa trẻ mang đầy nỗi sợ hãi, chỉ biết thu mình ở góc phòng hoặc điên cuồng phá nát tất cả. Và dĩ nhiên chúng ta sẽ không bao giờ biết được tiềm năng của chúng.
Với một đứa trẻ khác ở cùng độ tuổi, nếu ta nói với con rằng chúng ta yêu con nhiều như thế nào, quan tâm con ra sao và chúng ta yêu mọi điều con có, từ ngoại hình đến sự thông minh, hoạt bát của con. Chúng ta bảo rằng con phạm lỗi cũng không sao, song phải biết học hỏi từ những sai lầm của mình. Kết quả là, những tiềm năng có thể phát triển từ con có thể khiến chúng ta thực sự cảm thấy kinh ngạc.
Vì vậy gia đình luôn được coi là tế bào của xã hội, mỗi thành viên trong gia đình tốt thì sẽ có cả một gia đình tốt, mỗi một gia đình tốt sẽ có một xã hội tốt. Để có được một xã hội văn minh, hiện đại, phát triển và bền vững thì trong đó mỗi người luôn phải rèn luyện đạo đức, nhân cách, kiến thức… để phát triển một cách toàn diện có như vậy mới có nền móng để giáo dục một thế hệ sau phát triển toàn diện và bền vững.