V/v khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sau bão số 3 (YAGI).
Qua việc kiểm tra thực tế và báo cáo của các thôn, hiện nay trên địa bàn xã còn nhiều diện tích lúa và cây trồng vụ Thu Mùa đã chín nhưng chưa thu hoạch, một số diện tích bị đổ ngã và có nguy cơ bị ngập úng ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Tổng diện tích thu hoạch vụ Thu Mùa đến ngày 16/9 toàn xã là 50 ha/102 ha lúa (đạt 49 %).
Trước tình hình trên, để khắc phục kịp thời những ảnh hưởng do bão số 3 (YAGI) gây ra; đồng thời bảo vệ sản xuất vụ Thu Mùa 2024 trước những hiện tượng bất lợi do thời tiết gây ra trong thời gian tới. UBND xã Cẩm Tâm đề nghị trưởng các thôn, cán bộ chỉ đạo điểm, thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với lúa và cây trồng vụ Thu Mùa 2024: Tiếp tục huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung thu hoạch triệt để diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên và các cây trồng khác đã đến thời điểm thu hoạch, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để bảo vệ năng suất, sản lượng. Tiêu cạn nuớc mặt ruộng để tạo thuận lợi cho việc thu hoạch lúa và các cây trồng khác. Trên diện tích lúa chưa chín bị đổ ngã, cần khẩn trương dựng, bó thành chùm, không để hạt lúa bị ngâm nước; Đối với rau màu các cây trồng khác bị đổ cần dựng lên đồng thời tiến hành các biện pháp chăm sóc như: phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng,... cho cây nhanh phục hồi và chắm dặm đảm bảo mật độ gieo trồng; khi đất khô ráo tiến hành xới xáo, phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK,...; .
2. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm: Tập trung thu hoạch nhanh, gọn đối với loại quả đã đủ tuổi thu hoạch; đồng thời chỉ đạo người dân tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây công nghiệp, cây ăn quả để đề phòng bão lớn, lũ, ngập úng. Sau bão, lũ, ngập úng cần khẩn trương đào mương ở các mặt luống để thoát nước; xới xáo, phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây. Đồng thời, chủ động nguồn giống, vật tư để tiến hành trồng dặm hoặc trồng tái canh các diện tích bị thiệt hại.
3. Cán bộ khuyến nông, địa chính nông nghiệp bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra. Báo cáo tình hình thiệt hại và công tác triển khai khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xã để tổng hợp báo cáo UBND huyện theo quy định.
Đề nghị trưởng các thôn, cán bộ chỉ đạo thộn, cán bộ, công chức chuyên môn tập trung tổ chức triển khai thực hiện và thường xuyên thông tin về UBND huyện để theo dõi và chỉ đạo tiếp theo.